Thùng chứa dầu dùng để lưu trữ và cung cấp dầu thủy lực (chính là chất lỏng làm việc) cho hệ thống thủy lực. Ngoài ra thùng chứa còn có nhiệm vụ trao đổi nhiệt giữa dầu thủy lực với môi trường xung quanh. Tại thùng chứa cũng là nơi tiến hành lọc cặn, bụi bẩn và không khí có trong dầu thủy lực.
Hình.1. Thùng chứa dầu
1 – dụng cụ chỉ mức dầu; 2– ống hút;3 – nắp thùng; 4 – ống thông gió;
5 – cửa; 6 – ống xả (dầu từ hệ thống về ); 7 – bộ lọc;
8 – bộ lọc dạng lưới (mắt lưới 0,1x0,1mm); 9 – cửa rót dầu; 10 – nắp từ;
11 – nắp cửa xả dầu; 12 – các tấm ngăn (làm lắng dầu)
Thùng chứa được chế tạo bằng cách hàn các tấm thép lá độ dày từ 1-2 mm hoặc được đúc bằng gang. Hình dạng phổ biến của thùng chứa thường là hình hộp chữ nhật. Bên trong thùng chứa có có các vách ngăn 12, để ngăn khoang hút và khoang xả. Ngoài ra, vách ngăn còn làm cho quãng đường tuần hoàn của dầu thủy lực dài hơn. Từ đó làm cho dầu thủy lực giảm bọt và làm lắng các cặn, tạp chất chứa trong dầu thủy lực xuống dưới đáy thùng chứa. Để tách không khí ra dầu thủy lực người ta sử dụng các lưới mắt nhỏ, đặt dưới góc của thùng chứa. Để làm phẳng lặng chất lỏng trong thùng chứa trên vách ngăn 12 có các lỗ thủng ở độ cao từ 50…10 mm từ đáy thùng. Rót chất lỏng làm việc vào thùng chứa qua cửa rót 9 với bộ lọc dạng lưới 8, có các mắt lưới không lớn hơn 0,1x0,1 mm. Cửa rót dầu được đậy kín bằng nắp.
Sử dụng dụng cụ chỉ 1 hoặc cửa 5 để kiểm tra mức chất lỏng trong thùng chứa. Ống thông gió 4 có tác dụng để cân bằng áp suất tại mặt thoáng chất lỏng trong thùng với áp suất khí quyển. Trong trường hợp cần áp suất trong thùng chứa khác áp suất khí quyển (áp suất dư hoặc chân không) thùng chứa được đóng kín không thông với không khí.
Các ống hút và ống xả được lắp đặt ở độ cao h = (2…3)d từ đáy của thùng chứa, đầu các ống này được làm vát 1 góc 45o. Khi đó lắp đặt miệng nghiêng của ống xả hướng về thành thùng chứa, còn miệng nghiêng của ống hút quay lưng về hướng thành thùng chứa. Với cách bố trí như vậy sẽ làm giảm sự trộn lẫn không khí vào chất lỏng và giảm sự khuấy cặn, tạp chất dưới đáy thùng chứa lên, đảm bảo giảm tạp chất bị hút vào ống hút, đảm bảo cho hệ thống làm việc. Phía trên phần ống xả có thể được lắp đặt bộ lọc dầu.
Đáy thùng chứa dầu có cửa xả 11 để xả dầu thủy lực ra, dùng cho trường hợp thay định kỳ dầu thủy lực và cọ rửa thùng chứa định kỳ.
Tại đáy thùng chứa có thể lắp đặt nắp từ 10, có công dụng hút và giữ các cặn, tạp chất kim loại. Nắp thùng chứa 3 có thể tháo được và được liên kết với thùng chứa bằng vòng bít kín bằng cao su có độ bền cao đối với dầu thủy lực.
Trong quá trình vận hành hệ thống thủy lực nhiệt độ dầu thủy lực không được phép vượt quá 55…60o C, hay quá 80o C trong trường hợp đặc biệt. Nếu không thể giữ nhiệt độ trong khoảng cho phép bằng các cách làm mát tự nhiên, thì trong hệ thống thủy lực cần phải lắp bộ tản nhiệt.
Trong hệ thống thủy lực sử dụng 2 kiểu tản nhiệt: làm mát bằng không khí và làm mát bằng nước.
Bộ tản nhiệt bằng nước có kích thước không lớn. Khác với tản nhiệt bằng không khí, tản nhiệt bằng nước hiệu quả hơn nhiều, nhưng nó lại đòi hỏi cần có các thiết bị để dẫn, luôn chuyển chất lỏng làm mát. Cấu trúc của bộ tản nhiệt dạng này có hình xoắn từ các ống thép (hình 2.a), và được gắn vào thùng chứa 1.
Các bộ tản nhiệt bằng nước thích hợp ứng dụng vào các hệ thống thủy lực của các máy cố định làm việc trong điều kiện nặng.
Hình.2. Bộ tản nhiệt:
а – tản nhiệt bằng nước; 1 – thùng chứa dầu; 2 – bộ ống xoắn;
b –tản nhiệt bằng không khí; 1 – tản nhiệt; 2 – quạt; 3 – bộ khởi động từ;
4 – rơle; 5 –máy điều chỉnh nhiệt độ; 6 – đầu cảm ứng nhiệt
Bộ tản nhiệt bằng không khí được thiết kế theo kiểu tản nhiệt trên ôtô hoặc sử dụng các đường ống dẫn dầu gấp song song để tăng tiết diện bề mặt truyền nhiệt. Kết hợp với quạt gió để tăng hiệu quả truyền nhiệt bề mặt của bộ tản nhiệt với không khí.
Để giữ nhiệt độ dầu thủy lực không đổi có thể sử dụng máy điều chỉnh nhiệt độ tự động ( hình 2.b). Khi nhiệt độ dầu thủy lực nâng lên cao, rơ-le 4 của máy điều chỉnh nhiệt độ 5 đóng kín mạch của bộ khởi động từ 3 của động cơ điện, trên trục động cơ điện được lắp đặt quạt gió 2. Dòng không khí thổi vào bộ tản nhiệt 1. Khi nhiệt độ giảm xuống mức cho phép, động cơ điện của quạt gió tự động ngắt. Máy điều chỉnh nhiệt làm việc nhờ đầu cảm ứng nhiệt 6.
EmoticonEmoticon